Tin tức
Giải mã về chứng bệnh mất ngủ
- 09/03/2013 | Mất ngủ làm tăng nguy cơ suy tim
- 30/05/2013 | Mất ăn mất ngủ vì rối loạn tiền đình
- 17/02/2017 | Khi nào stress gây “mất ăn mất ngủ”?
- 09/07/2016 | Liệu pháp nhận thức - hành vi trong điều trị bệnh lý mất ngủ
- 23/02/2014 | Nguy hiểm của việc mất ngủ
1. Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ
Các hiện tượng bao gồm khó ngủ, nằm trằn trọc không thể ngủ, ngủ không sâu giấc, thức dậy liên tục mỗi tối đều được gọi là bệnh mất ngủ. Một người bình thường trung bình phải ngủ đủ 8 tiếng trong một ngày. Tuy nhiên khi những áp lực xã hội đè nặng lên cuộc sống con người hiện nay, ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài.
Ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc
Hầu hết, chứng mất ngủ thường do các nguyên nhân:
Stress
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ hiện nay chính là áp lực về tâm lý. Thông thường, những căng thẳng, lo âu xuất phát từ công việc, tài chính, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, những lo toan về tương lai, về hôn nhân, con cái,… Xã hội phát triển buộc mỗi người phải nỗ lực nhiều hơn cùng những khát vọng càng cao đôi khi lại tạo thành rào cản vô hình đẩy stress dần lên đỉnh điểm. Stress cực độ sẽ dẫn đến khó ngủ.
Thói quen sinh hoạt, làm việc thiếu khoa học
Khi công nghệ cùng mạng internet phát triển vượt bật thì chứng khó ngủ dần dần có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ, smartphone, máy tính khiến thói quen ngủ của nhiều người trẻ thay đổi. Lâu dần, nhiều người trẻ trở thành những “con sâu đêm”.
Đôi khi do tính chất công việc phải làm ca đêm nên nhiều người thiếu ngủ và dần trở thành bệnh.
Sử dụng chất kích thích
Cà phê luôn được xem là giải pháp cho cơn buồn ngủ, chính vì vậy mà nó trở thành thủ phạm khiến bạn khó ngủ. Cà phê cũng như trà, thuốc lá đều là những chất kích thích tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Cà phê là một trong những nguyên nhân gây khó ngủ
Nếu cà phê, trà là sở thích tao nhã của bạn thì tốt nhất nên sử dụng chúng vào buổi sáng để đảm bảo giấc ngủ không bị ảnh hưởng.
Sử dụng thuốc ngủ
Có vẻ bạn sẽ thấy vô lý vì hầu như bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc ngủ nếu có biểu hiện mất ngủ kéo dài. Nhưng đây lại là sự thật. Tác dụng phụ của thuốc ngủ sẽ khiến bạn bị lệ thuộc, nếu không sử dụng thuốc, bạn sẽ không thể nào ngủ được. Vì vậy, nếu không phải thật sự cần thiết thì bạn không nên sử dụng thuốc ngủ để tránh để lại những hậu quả không mong muốn.
Tuổi già
Khó ngủ, ngủ chập chờn là căn bệnh xuất hiện hầu hết ở những người cao tuổi. Tuổi càng cao, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều giảm khả năng hoạt động. Do đó mà người già sẽ ngủ ít, khó ngủ, ngủ không đủ giấc và thức dậy sớm.
Bệnh mạn tính
Có khá nhiều bệnh dẫn đến triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc như dạ dày, tiểu đêm, cơ xương khớp, viêm xoang, viêm da dị ứng, các bệnh đường hô hấp, bệnh nan y,… Bệnh dày vò khiến cơ thể mệt mỏi, đau đớn, khó chịu,… dẫn đến tình trạng ngủ không sâu giấc, trằn trọc thậm chí thức trắng cả đêm.
Nhiều trường hợp bệnh nặng như ung thư, suy giảm miễn dịch,… gây ra những vấn đề lo sợ về tâm lý cũng có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Bên cạnh đó, một số tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây ra tác dụng phụ khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
2. Mất ngủ có nguy hiểm không?
Mất ngủ có thể được coi là một mối nguy lớn của xã hội do những hậu quả của nó. Việc không ngủ đủ giấc kéo dài có thể dẫn đến những rối loạn về tâm trạng, trường hợp kéo dài sẽ gây ra các tác động nguy hiểm đến sức khỏe.
Một số tác hại nghiêm trọng mà có thể xảy ra như:
-
Rối loạn tâm trạng: cơ thể luôn trong tình trạng thiếu ngủ dẫn đến mệt mỏi, dễ nổi cáu, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm - một căn bệnh đáng lo lại ở giới trẻ ngày nay.
Thiếu ngủ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi
-
Tai nạn giao thông: ngày nay các vụ tai nạn giao thông, nhất là đối với các xe chạy tuyến đường dài xuất phát từ nguyên nhân tài xế buồn ngủ hay ngủ gục chiếm tỷ lệ cao.
-
Giảm trí nhớ: mất ngủ kéo dài khiến não bộ làm việc giảm năng suất hoặc gây ra các chứng bệnh ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến giảm trí nhớ.
-
Gây nên các vấn đề về tim mạch như: bệnh tim, đau tim, suy tim, cao huyết áp,…
-
Giảm khả năng ham muốn, lão hóa da, béo phì.
-
Mất ngủ kéo dài là nguyên nhân gây tử vong cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy người ngủ ít hơn 5 - 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ tử vong tăng gấp đôi so với người ngủ đủ giấc. Hơn nửa nguy cơ tử vong cao khi mất ngủ ảnh hưởng đến tim.
3. Làm gì để có một giấc ngủ ngon?
Không quá khó để bạn có thể cải thiện giấc ngủ của bản thân nếu bạn tuân thủ theo một vài nguyên tắc sau:
-
Ăn uống lành mạnh, duy trì sinh hoạt điều độ. Một số loại thực phẩm chứa nhiều Tryptophan như gà tây, sữa, phô mai, bơ, ngũ cốc có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ.
-
Thường xuyên thư giãn đầu óc bằng cách đọc sách, ngồi thiền, nghe nhạc, tập thể dục nhẹ nhàng.
-
Chế độ luyện tập thể thao hợp lý, bạn cũng có thể tập yoga để cân bằng tinh thần.
Tập yoga giúp bạn cân bằng lại tinh thần
-
Đi bộ cũng là một cách giúp bạn giải tỏa căng thẳng và đi ngủ nhanh chóng.
-
Giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm để tạo ra một cuộc sống năng động, tinh thần lạc quan.
-
Tập thói quen đi ngủ trước 11 giờ và thức dậy sớm kể cả những ngày nghỉ.
-
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, bia rượu và các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
-
Tắm bằng nước ấm để cơ thể cảm thấy dễ chịu, ngâm chân với nước ấm khoảng 30 phút mỗi tối có thể giúp bạn có một giấc ngủ sâu.
-
Không gian ngủ cũng không kém phần quan trọng. Bạn cần phải chăm sóc phòng ngủ một cách cẩn thận, tạo cảm giác thoải mái nhất khi bạn đặt lưng lên giường. Phòng ngủ phải gọn gàng, sạch sẽ cùng với mùi thơm mà bạn thích có thể giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Mất ngủ hiện nay đang dần trở thành mối lo ngại của xã hội khi ngày càng có nhiều người mắc bệnh cũng như có những diễn biến phức tạp. Các biện pháp cải thiện mang tính chất tác động bên ngoài chỉ có thể áp dụng đối với các trường hợp nhẹ. Tuy nhiên nếu bạn vẫn khó ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc và tình trạng này kéo dài liên tục thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra và kịp thời đưa ra hướng điều trị cho phù hợp. Đừng chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu nào của cơ thể bạn nhé!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!